[NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT] – NDA & NCA: Tranh chấp lao động hay tranh chấp dân sự/thương mại

 

I. Giới thiệu

Trong những năm gần đây, thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) và thỏa thuận không cạnh tranh (NCA) là một trong những công cụ hữu hiệu để các doanh nghiệp sử dụng nhằm bảo vệ bí mật kinh doanh và hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh từ nhân viên sau khi họ rời khỏi công ty. Đầu tiên, xem xét đến tổng quan về NDA & NCA và quy định của pháp luật Việt Nam về NDA & NCA

Liên quan đến thoả thuận bảo mật thông tin (NDA), về khía cạnh pháp luật lao động, khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019) quy định về thỏa thuận bảo mật thông tin: “Khi người lao động (NLĐ) làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm”.

Quy định này cũng được thể hiện trong Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTB&XH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội[1]. Tuy nhiên, cho đến nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về khung pháp lý và hiệu lực đối với thỏa thuận không cạnh tranh (NCA), một điều khoản còn gây nhiều tranh cãi.

Tuy vậy, có thể nhận định rằng, Thỏa thuận bảo mật thông tin NDA (Non-Disclosure Agreement) là văn bản thỏa thuận bảo mật thông tin giữa ít nhất hai bên, đảm bảo việc bảo vệ và bảo mật thông tin được chia sẻ giữa các bên tham gia vào mối quan hệ kinh doanh; trong khi đó, Thỏa thuận không cạnh tranh NCA (Non – Competition Agreement) là một thỏa thuận pháp lý hoặc điều khoản trong hợp đồng quy định rằng NLĐ không được tham gia cạnh tranh với NSDLĐ sau khi thời gian làm việc kết thúc.

Cả NDA và NCA trong quan hệ lao động là văn bản có giá trị ràng buộc, với nội dung bao gồm các cam kết giữa NLĐ và NSDLĐ, đây có thể là hai văn bản thoả thuận tách biệt nhau điều chỉnh từng quan hệ giữa các bên trong mỗi khía cạnh. Trong một số trường hợp, để đơn giản hóa, thỏa thuận NCA không nằm độc lập mà được lồng ghép vào “Thỏa thuận bảo mật và không cạnh tranh- NDA”.

II. Tranh chấp phát sinh liên quan đến điều khoản “không cạnh tranh” trong NDA – NCA là tranh chấp lao động hay tranh chấp dân sự/thương mại?

Do tính chất phức tạp và chưa có các quy định áp dụng rõ ràng của các thoả thuận NCA – NDA nên ngày nhiều tranh chấp đã phát sinh xảy ra. Vậy nên, việc xác định bản chất của tranh chấp là tranh chấp lao động hay tranh chấp dân sự giữa NLĐ và NSDLĐ là vấn đề pháp lý được quan tâm và tồn tại nhiều luồng quan điểm. 

Quan điểm đầu tiên cho rằng NDA – NCA là một nội dung xuất phát từ quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, được pháp luật lao động điều chỉnh và tranh chấp liên quan đến NDA – NCA sẽ mặc nhiên trở thành tranh chấp lao động, NDA – NCA được xác lập khi các bên đang thực hiện Hợp đồng lao động. Về mặt chủ thể giao kết, Thỏa thuận được ký bởi NLĐ và NSDLĐ. Về mặt nội dung, Thỏa thuận quy định quyền và nghĩa vụ giữa các bên xuất phát từ quan hệ lao động hiện hữu giữa các bên. Vì vậy, chủ thể giao kết Thỏa thuận đã phát sinh quan hệ lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 3 BLLĐ 2019[2]. Từ đó, theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, hòa giải viên lao động và tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp căn cứ theo Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2019[3].

Bên cạnh đó, quan điểm thứ hai chỉ định tranh chấp liên quan đến NDA – NCA chỉ nên được xem xét dưới góc độ dân sự/ thương mại vì NDA – NCA là một giao dịch dân sự độc lập với hợp đồng lao động, bởi lý do, nếu xét về mục đích, NDA-NCA được sử dụng nhằm bảo vệ bí mật thông tin của bên tiết lộ thông tin và ngăn ngừa việc bên nhận thông tin tiết lộ này sử dụng thông tin bị tiết lộ phục vụ cho đối thủ cạnh tranh (gián tiếp hoặc trực tiếp) của bên tiết lộ thông tin. Do đó, có đủ căn cứ nhận định rằng, NDA-NCA không chỉ được sử dụng trong quan hệ lao động mà còn được sử dụng trong bất kỳ quan hệ nào mà ở đó vấn đề bảo vệ bí mật thông tin được đặt lên ưu tiên, ví dụ trong các giao dịch mua bán sáp nhập doanh nghiệp, khi mà thông tin của bên được mua lại luôn đươc yêu cầu giữ bí mật ở mức độ cao nhất đối với các bên tham gia vào giao dịch này. Đồng thời, quan hệ giữa các bên trong tranh chấp là quan hệ lao động, nhưng tranh chấp phát sinh từ thoả thuận NDA chứ không phải từ quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ hay từ hợp đồng lao động. Có nghĩa là NDA độc lập với hợp đồng lao động, và nếu tranh chấp theo hợp đồng lao động là tranh chấp lao động thì tranh chấp phát sinh từ NDA vẫn có thể là tranh chấp dân sự, thương mại.. Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp chỉ có thể là Luật Thương mại với cơ chế giải quyết bằng trọng tài thương mại (nếu có thỏa thuận) hoặc Bộ luật Dân sự với cơ chế giải quyết bằng tòa án (nếu không có thỏa thuận).[4]

Tuy nhiên, lập luận như vậy là khá khiên cưỡng và chưa đủ cơ sở khẳng định. Chúng ta có thể thấy rằng, rõ ràng nếu giữa hai bên không có hợp đồng lao động, NDA chắc chắn sẽ không được ký kết và tồn tại. Nói một cách khác, NDA là một phần của/ và phụ thuộc vào /và phát sinh từ hợp đồng lao động. NDA nhằm điều chỉnh những vấn đề trong quan hệ giữa NLĐ và NSDLĐ và quan hệ này đã phát sinh từ hợp đồng lao động giữa hai bên.

Ngoài ra, nếu cho rằng NDA là thỏa thuận độc lập với hợp đồng lao động, hãy xem xét các lợi ích mà  NLĐ có được khi ký kết NDA. Chúng ta có thể đặt ra câu hỏi Tại sao NLĐ phải ký một thỏa thuận chỉ để nhận lại nghĩa vụ và sự ràng buộc (thông thường quy định rằng trong vòng 12 tháng không được làm bất kỳ công việc “đang hoặc trong tương lai sẽ cạnh tranh” với công việc kinh doanh của nguyên đơn và cho “các đơn vị liên kết và các đối tác” của NSDLĐ) mà không nhận được bất kỳ lợi ích đối ứng nào? Liệu rằng, đáp án là vì NLĐ tin rằng lợi ích mình nhận được sẽ là công việc làm, mức lương, thưởng, v.v… đề cập trong Hợp đồng lao động, nếu không NLĐ sẽ khó có sự “tự nguyện ký kết” – như nhận định của Hội đồng trọng tài và Tòa án đối với một thỏa thuận như NDA?

Dung hoà các quan điểm trên cũng như dựa trên thực tế Toà án xét xử,  cả NDA và NCA được xác lập với mục đích là để bảo vệ bí mật kinh doanh và bí quyết công nghệ của NSDLĐ. Quan điểm của tác giả bài viết cho rằng, cần có một cơ chế cụ thể nhằm xác định quan hệ giữa NLĐ và NSDLĐ khi tham gia ký kết NDA-NCA, nhằm xác định tranh chấp liên quan đến điều khoản không cạnh tranh là tranh chấp dân sự/thương mại hay tranh chấp lao động. Theo đó, để xác định quan hệ giữa NLĐ và NSDLĐ khi tham gia ký kết NDA-NCA là loại quan hệ gì, việc xác định được căn cứ tại thời điểm mà thoả thuận này được xác lập; tức nếu thoả thuận này được ký kết tại thời điểm hợp đồng lao động giữa các bên còn hiệu lực thì thoả thuận được xem là quan hệ lao động, trường hợp thoả thuận ký kết tại thời điểm hợp đồng lao động hết hiệu lực thì được xem là quan hệ dân sự/thương mại nhằm xác định loại tranh chấp khi có tranh chấp phát sinh. .

Việc xác định tranh chấp phát sinh giữa NLĐ và NSDLĐ là tranh chấp lao động hay tranh chấp dân sự, thương mại chính là yếu tố quyết định để xác định thẩm quyền của trọng tài. Trong tình huống khi tranh chấp được xác định là tranh chấp dân sứ, thương mại, hội đồng trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp theo khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010 và nếu hai bên có thỏa thuận. Trong trường hợp không thỏa thuận được, tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên cở sở áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự. Quan điểm trên càng được củng cố qua Án lệ 69/2018 như sau:

Án lệ số 69/2023/AL về tranh chấp NDA thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại , Án lệ 69 chỉ quy định giải pháp pháp lý cho các trường hợp vi phạm NCA tương tự sau khi HĐLĐ chấm dứt, theo đó Án lệ 69 đã “xác định tranh chấp về thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh giữa hai bên là thỏa thuận độc lập với hợp đồng lao động, thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại”.  Thẩm quyền của trọng tài thương mại được áp dụng trong các tranh chấp NDA-NCA với điều kiện thỏa mãn đủ các “tình huống pháp lý tương tự” sau: (i) Các bên có thỏa thuận trọng tài; (ii) Tranh chấp phát sinh liên quan đến một bên có hoạt động thương mại; (iii) Người lao động không phản đối thẩm quyền Trọng tài thương mại trong Bản tự bảo vệ cũng như trong suốt quá trình tố tụng trọng tài;(iv) Tranh chấp phát sinh sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động; (iv) Bên phía người lao động thừa nhận NDA hoàn toàn độc lập với Hợp đồng lao động. Theo đó, Án lệ trên chỉ làm rõ vấn đề NDA được điều chỉnh bởi BLDS trong trường hợp các bên cùng khẳng định điều này[5]. Vậy nên tranh chấp liên quan đến NDA – NCA sẽ chuyển thành tranh chấp dân sự/ thương mại khi NLĐ nghỉ việc vì quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ đã chấm dứt. Trong tình huống này, hội đồng trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp theo khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010 và nếu hai bên có thỏa thuận.

III. Giải pháp trong việc ngăn chặn và giải quyết các tranh chấp xung quanh điều khoản “không cạnh tranh”

Cho đến hiện tại, NLĐ khó có khả năng trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, dẫn đến NLĐ bị giảm khả năng “đòi hỏi” những quyền lợi mà NLĐ xứng đáng nhận được. Nhiều doanh nghiệp thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết này để “cài cắm” các điều khoản thỏa thuận có lợi cho họ. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, thông thường NLĐ gánh chịu phần thiệt thòi nhiều hơn. Bởi lẽ đó, hệ thống pháp luật Việt Nam đã công nhận NLĐ là bên yếu thế, nên nhiều chính sách “ưu ái” cũng được ban hành nhằm cân bằng cán cân chênh lệch quyền lợi với NSDLĐ. Trong vấn đề nhận diện bản chất quan hệ pháp luật tồn tại trong NDA, chúng tôi nhận thấy việc xác định NDA được điều chỉnh bởi BLLĐ sẽ bảo vệ tối đa quyền lợi của NLĐ  yếu thế. Trên tinh thần đó, có thể xem xét ưu tiên áp dụng khoản 6 Điều 404 BLDS 2015[6] về giải thích có lợi cho NLĐ, bên không soạn thảo Thỏa thuận để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp về NDA là tranh chấp lao động, trừ trường hợp vụ việc tồn tại các tình huống pháp lý tương tự Án lệ số 69/2023/AL nêu trên.

————————

[1] Nguyễn Huy Hoàng – Đoàn Thanh Bình, “Bàn Về Hiệu Lực Pháp Lý Của Thỏa Thuận Không Cạnh Tranh (NCA) Sau Khi Có Án Lệ 69/2023/Al”, https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=b3be054c-1d06-40ae-8610-e5c98e58fe2e, truy cập ngày 15/05/2024.
[2] Điều 3. Giải thích từ ngữ
5. Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.
[3] Điều 187. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:
1. Hòa giải viên lao động;
2. Hội đồng trọng tài lao động;
3. Tòa án nhân dân.
[4] Lý Ngọc Yến Nhi, “Điều khoản “không cạnh tranh” trong thỏa thuận bảo mật và không cạnh tranh (NDA & NCA) – đề xuất giải pháp hạn chế và giải quyết các tranh chấp liên quan, https://lracuel.org/2019/06/18/dieu-khoan-khong-canh-tranh-trong-thoa-thuan-bao-mat-va-khong-canh-tranh-nda-nca-de-xuat-giai-phap-han-che-va-giai-quyet-cac-tranh-chap-lien-quan/, truy cập ngày 13/05/2024
[5] Luật sư Mai Thảo, “Bàn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp “NDA”, https://lsvn.vn/ban-ve-tham-quyen-giai-quyet-tranh-chap-nda-1705919479.html, truy cập ngày 14/05/2024
[6] Điều 404. Giải thích hợp đồng
6. Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.

Quý vị có nhu cầu/thắc mắc về Pháp lý, đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT THE LAM
📍Office: Indochina Park Tower, #4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Quận 1.
📞Tel: (028) 7105 8222 – 6288 3798 – Hotline: 097 309 77 77
📧Email: info@thelamlawllc.com 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *