CÓ ĐƯỢC TỰ Ý DI DỜI PHẦN MỘ TRÊN ĐẤT CỦA MÌNH?

1. Tình huống thực tế

Chị L sau một thời gian về thăm vườn thì phát hiện ngôi mộ vừa được xây trong phần đất mình đã được cấp sổ đỏ. Khi biết gia đình ở gần đó đã làm việc này, chị đã kêu họ dời mộ đi nhưng bị phớt lờ. Đây là việc liên quan đến tâm linh nên chị không dám tự ý dời mộ đi chỗ khác, vậy phải làm sao?

Nguồn: https://vnexpress.net/

2. Góc nhìn pháp lý

Tại khoản 5, 7 Điều 166, Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền của người sử dụng đất và phương thức giải quyết tranh chấp về đất, theo đó: người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình cũng như khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai mà trước hết giải quyết thông qua tự hòa giải hoặc hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Trong tình huống trên, Chị L có quyền sở hữu (quyền sử dụng, chiếm hữu, định đoạt) vì đã được cấp sổ sau đó mới xảy ra tình trạng chiếm đất xây mộ mà không được sự đồng ý của chính chủ thì chị L có quyền yêu cầu di dời phần mộ đã xây hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cụ thể, chị L có thể thực hiện từng bước như sau:

  • Bước 1: Trao đổi, thỏa thuận với gia đình đã xây mộ để di dời
  • Bước 2: Nếu họ kiên quyết không hợp tác hoặc không thỏa thuận được, chị L làm đơn gửi lên UBND cấp xã để thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai
  • Bước 3: Trường hợp hòa giải không thành hoặc hòa giải thành nhưng sau đó bên kia không thực hiện theo cam kết, thỏa thuận trước đó thì chị L làm đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân cấp huyện yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Mặt khác, việc tự ý di dời phần mộ dù là trên đất của mình có thể vi phạm vào:

a) Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: “Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”

b) Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mã tại Điều 607 BLDS 2015:

1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.

2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, để tránh các tranh chấp đất đai, người sử dụng đất nên thực hiện các biện pháp bảo vệ đất của mình (dựng rào, xây cọc, xây tường bao quanh,…), thường xuyên trông nom cũng như đo đạt, thực hiện chuyển quyền sở hữu,… để xác định chính xác diện tích đất, ranh giới và quyền lợi của mình phòng tránh các rủi ro, tranh chấp không mong muốn có thể xảy ra.

Ngọc Loan

NẾU CẦN TƯ VẤN, HỖ TRỢ HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI – CÔNG TY LUẬT TNHH THE LAM
Địa chỉ: Tòa nhà Indochina, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Q1, Tp HCM
Điện thoại: (028) 7105 8222. Hotline: 0973 097 777
Email: info@thelamlawllc.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *